Ghế đá công viên và những tác động xấu của con người
Ghế đá công viên và những tác động xấu của con người
Những chiếc ghế đá gãy chân, đứt lìa thân, trơ sắt, thậm chí chỉ còn là một đống bê tông vụn… là những hình ảnh rất không đẹp tại một số điểm công viên, bờ kè, gây bức xúc cho nhiều người dân xung quanh lẫn người đi đường ở TP Vĩnh Long.
Những chiếc ghế đá bị hư hỏng nặng nằm chỏng chênh giữa đường
Sao nỡ phá đi?
Cùng với những hàng cây xanh mát, những chiếc ghế đá công viên, bờ kè không chỉ giúp người đi đường có phút nghỉ ngơi cho đỡ mỏi chân hay thảnh thơi hóng mát mà còn là những điểm nhấn “vừa đáng yêu vừa thiết thực” tô điểm thêm cho công viên. Lẽ ra phải bảo vệ, giữ gìn nó thì một số người thiếu ý thức đành tâm đập phá những chiếc ghế đá ấy không thương tiếc.
Tại bờ kè Phường 2, có hơn 10 chiếc ghế đá bị hư hỏng, nhiều nhất là bị hư lòng ghế, gãy chân, một số chỉ còn lại đống đá vụn. Theo một số người dân sống xung quanh bờ kè, khoảng 1- 2 tháng nay, tình trạng băng ghế đá bị hư hỏng ngày càng nhiều. Có người còn tận mắt chứng kiến thấy nhóm người tụ tập đập phá băng ghế đá nhưng không dám lên tiếng vì sợ “vạ lây” hay “bị trả thù”.
Chú Nguyễn Văn Dũng (Khóm 1- Phường 2) bức xúc: “Mới tối hôm trước đi bộ qua thấy băng đá còn nguyên. Sáng đi tập thể dục thì thấy nó đã bị hư, bể tan tành. Nhìn thấy mà tức, mà tiếc. Nhà nước làm bờ kè cho sạch sẽ, an toàn, vậy nhưng một số người không giữ gìn mà còn phá hoại. Thiệt không hiểu nổi”. Đang ngồi hóng mát, chị Lại Kim Phượng (xã Phú Quới- Long Hồ) nói: “Đây là lần đầu tôi ghé bờ kè này, thấy cây xanh đẹp nên ghé xem nhưng thấy ghế hư nhiều, lại thêm mấy quán bán nước uống lấn đường đi của người đi bộ, rất mất mỹ quan”.
Tình trạng này còn xảy ra phổ biến ở nhiều công viên trong nội ô thành phố như: Công viên Sông Tiền, Công viên Tượng đài Chiến thắng Mậu Thân, Công viên Phường 5, Công viên TP Vĩnh Long.
Chú Nguyễn Văn Nghiệp (đường Phó Cơ Điều- Phường 3) nói: “Chiều tối, tôi hay ra công viên hóng mát, thấy nhiều người tự nhiên dời ghế đá chỗ này chỗ kia, rồi ghế đá gãy chân, gãy lưng, không đẹp chút nào”. Anh Trần Hữu Phú- Tổ trưởng Tổ chăm sóc Công viên Tượng đài Chiến thắng Mậu Thân nói: “Khoảng 1 năm trở lại đây, tình trạng đập phá ghế đá xảy ra nhiều, xung quanh khu vực này cũng rất phức tạp khó quản lý. Không chỉ phá hoại băng đá mà cây xanh cũng bị phá. Nhà nước làm cho dân vui chơi, giải trí, chẳng những không chăm sóc lại còn phá hoại. Người dân còn thiếu ý thiếu trong việc giữ gìn cảnh quan đô thị. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ còn chưa nghiêm ngặt, chặt chẽ. Khoảng 1 năm nay, đã có khoảng 30 chiếc ghế đá của công viên bị phá hoại, hư hỏng hoàn toàn, chưa kể đến số ghế đá bị hư hỏng nhẹ”.
Theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Long, cuối năm 2014, số lượng băng ghế đá ở Công viên TP Vĩnh Long là 112, Công viên Sông Tiền là 60, Công viên Tượng đài Chiến thắng Mậu Thân là 96, đến đầu năm 2015, Công viên TP Vĩnh Long còn 104, Công viên Sông Tiền còn 56, Công viên Tượng đài Chiến thắng Mậu Thân còn 87. Trong đó, số lượng nứt, gãy còn rất nhiều.
Chiếc ghế đá bị con người phá hoại gãy nứt làm đôi
Cần xử lý nghiêm, quản lý chặt
Anh Châu Anh Trọng- nhân viên hạ tầng kỹ thuật Phòng Quản lý đô thị cho biết: Các băng ghế đá ở công viên là do các công ty, doanh nghiệp tặng, phòng sẽ sắp xếp và bố trí ghế đá cho phù hợp. Ghế hư hỏng nhiều, nguyên nhân một phần cũng là vì chất lượng băng ghế không tốt, thường bị nứt chân, gãy lưng. Bên cạnh đó, nhiều người dân, trẻ em không giữ gìn, thường xuyên đùa giỡn, làm ghế mau hư. Địa phận bờ kè Phường 2 do phòng quản lý, sắp tới sẽ phối hợp Công ty TNHH 1TV Công trình công cộng kiểm tra, thống kê lại số lượng ghế đã hư hỏng để kịp thời xử lý.
Anh Trần Khắc Duy- Phó Giám đốc xí nghiệp cây xanh cho biết: Thời gian gần đây, tình trạng băng ghế đá hư hỏng còn xảy ra nhiều, nhất là ở Công viên Tượng đài Chiến thắng Mậu Thân, Công viên Phường 5. Khoảng 1- 2 tháng, sẽ thống kê số băng ghế đá hư hỏng. Đối với tình trạng di dời ghế đá, biện pháp khắc phục là âm chân ghế, đồng thời tăng cường kiểm tra. Tuy nhiên, hơn hết chính là ý thức của mỗi người dân. Phá hoại tài sản nơi công cộng không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn là vi phạm pháp luật.
Theo anh Hữu Phú, các đối tượng thường xuyên đập phá ghế đá thường là trẻ em, thanh thiếu niên hoặc người say xỉn, rất cần nghiêm trị để răn đe. Cô Nguyễn Thị Hồng (Khóm 2- Phường 2) nói: “Chân tôi yếu nên thường ra công viên dạo, đi tới đi lui, ngồi nghỉ mệt cho khỏe. Nhìn thấy nhiều ghế đá hư hỏng thấy buồn, tiếc, giận. Đây là tài sản của chung, mọi người phải biết giữ gìn, chăm sóc, bảo vệ. Bên cạnh đó, tình trạng rác thải, gà bươi bồn hoa còn xảy ra nhiều. Mỗi người cần giữ một chút, có ý thức hơn sẽ làm phố thêm đẹp”.
Để góp phần tạo diện mạo, kiến trúc mỹ quan đô thị, tạo nơi vui chơi, giải trí cho người dân, Nhà nước đã đầu tư rất lớn. Thế nhưng, một bộ phận người dân thiếu ý thức vẫn ngang nhiên xâm hại các công trình công cộng. Không chỉ làm mất vẻ mỹ quan mà còn phải tốn kém thêm chi phí sửa chữa, đầu tư, chỉnh trang thêm. Thiết nghĩ, bên cạnh việc tuyên truyền, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi phá hoại, cần nhanh chóng khắc phục, sửa chữa những chiếc ghế đá đã bị hư hại. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần phát huy vai trò của người dân trong việc phát hiện, tố giác các hành vi trên nhằm góp phần bảo vệ tài sản công, giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Song song đó, các doanh nghiệp tặng ghế đá cũng cần lưu ý hơn về chất lượng ghế.
Những chiếc ghế đá công viên hoàn toàn bị biến dạng
Bình luận
Hiện không có bình luận nào!